July 24, 2017

Lên Đà Lạt ăn gì?

Có nhiều quán ăn ngon, giá hợp lý, phục vụ tốt, chắc chắn là như vậy, có điều chắc chắn là mình không biết hết :)

Trên đường lên Đà Lạt hoặc ở Đà Lạt về lại Sài Gòn nhiều người chắc đã quen với quán cơm niêu Thuận Thành nằm ngay góc đường Lý Tự Trọng và QL20 đoạn chạy qua Bảo Lộc. Trước tiên là quán có vị trí thuận lợi cho khách ăn trưa nếu mọi người thường từ Sài Gòn đi vào đầu giờ sáng và ở Đà Lạt về lúc gần trưa.

Nhưng quan trọng hơn là quán nấu ăn ngon, đồ ăn phục vụ nhanh, nhân viên phục vụ chu đáo và nhanh nhẹn. Món hay được gọi nhất có lẽ là thịt heo quay ăn kèm với dưa muối. Thịt heo được quay ngay trước cửa quán, bảo đảm nóng bì giòn :).

Dưa chua và cà muối ăn với thịt heo quay và canh cua rau đay
Lên tới Đà Lạt nếu không cần phải ăn đặc sản gì thì lựa chọn dễ nhất và đảm bảo cả ngon lẫn an toàn không lo chặt chém lại còn ở trung tâm thì Liên Hoa là quán có thể ghé nhiều lần. Từ lần đầu tiên lên Đà Lạt mình đã biết tới quán này, đơn giản vì có bánh bánh mỳ kẹp thịt, mà đây là một món mình thích :)

Có thể ghé Liên Hoa cho cả bữa sáng lẫn trưa, tối vì quán có quá nhiều món cho bạn lựa chọn, dù bạn thích ngọt hay mặn, Tây hay ta. Tầng trệt là các loại bánh ngọt, bánh mỳ kẹp thịt, bánh bao, xôi, có thể mua và mang lên ngồi ăn ở tầng trên. Tầng trên là quán ăn với đủ các món nước và xào như hủ tiếu, cơm, bún, phở, có cả mỳ Quảng luôn.

Bạn sẽ phải chọn món từ menu và ghi ra một tờ giấy để order, cái này khá hay, nhân viên đỡ mất thời gian đứng chầu chực khách dò dẫm menu, khách thoải mái chọn món, nhanh hay lâu có ăn là do mình :D

Hôm nay vừa ăn đĩa hủ tiếu bò áp chảo, ngon :)

Ăn xong làm một hũ sữa chua, thêm một ly nước đậu nành nóng, quá đã :)

Nước đậu nành nóng
Nếu trời không mưa, và may mắn thì bạn có thể ngồi ở mấy bàn ngoài balcony tầng trên, vừa ăn sáng vừa ngắm phố cũng thích.

Một ngôi nhà đối diện quán Liên Hoa

July 07, 2017

Về nhà (ngày 9-11)

Hành trình 2.439km Sài Gòn - Đà Nẵng hè 2017.

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

Định sau khi đi Mỹ Sơn về thì sẽ ra Huế, nhưng kế hoạch lại thay đổi một lần nữa vì ngán cái thời tiết của Huế, ngán là ngán cho hai lãnh đạo vợ và con chứ mình thì chấp hết :). Các bạn này hơi kém, hành quân nắng nôi một tí đã lèo nhèo nhức cả đầu. Mình thì sau hơn một tuần phơi nắng cũng bị ho, hắt hơi, dù vặt vãnh nhưng cũng phải thừa nhận là không powerful như lúc khởi hành. Ngoài ra lúc đi hào hứng không sao, giờ nhìn đường về 1.000km thấy muốn đi máy bay :D

Bao lần rồi chưa đến Huế mộng mơ, mình không có duyên với Huế thật :)

Vừa đi vừa nghỉ nên chia ba quãng đường, dừng chân hai chặng ở Quy Nhơn và Mũi Né. Lúc về thì hết hứng ngắm cảnh rồi, dù còn nhiều nơi còn phải ghé lại (năm sau?) nên cứ QL1A mà chạy, chạy đường ven biển thường vòng vèo xa hơn đáng kể. Mà mấy hôm về trời cũng nhiều mây, không còn nắng chói chang như hôm đi - thích hợp ngắm cảnh, đi dễ chịu hơn, công nhận may.

Qua Tam Kỳ có nhiều đoạn QL1A đang mở rộng, tại một đoạn đã xong nhưng chưa kẻ vạch phân làn (ba làn), không để ý phát dính ngay vào lỗi vượt phải. Tranh thủ ít ngày chưa kẻ vạch các anh ấy chắc vượt chỉ tiêu cả quý luôn, xe cứ gọi là xếp hàng chờ mua vé :)

Đã vượt đèo Cả từ phía Bắc, nói chung là cũng như Bảo Lộc, Prenn, ven biển Ninh Thuận, Núi Chúa... thôi, nhưng nguy hiểm hơn vì quá nhiều xe.

Qua Tam Kỳ nghỉ chân ở đúng Khổng Miếu, kiến trúc mái ngói tường gạch khảm mảnh sứ đẹp, trông cũ kỹ cổ kính đúng kiểu xưa. Ở chính giữa là một sân lớn lát gạch đỏ, từ cổng tam quan có cầu cong cong bắc qua hồ sen đi vào. Dù mới chỉ được xây xong năm 1970 (công trình cũ cách đó 2km được xây dựng từ năm 1842) nhưng mình thích Khổng Miếu ở Tam Kỳ hơn Văn Miếu Trấn Biên ở Biên Hoà, ở Biên Hoà công trình sử dụng nhiều đá, và trông mới mẻ hiện đại quá :)

Điện chính ở Khổng Miếu, Tam Kỳ

Toàn cảnh Khổng Miếu, Tam Kỳ

Biển Quy Nhơn nói chung không đẹp, bãi biển dốc, đoạn phía khách sạn Hoàng Yến, Hải Âu còn sạch, đoạn đầu kia chỗ khách sạn Sài Gòn Quy Nhơn, Quy Nhơn thì cát đen và nhiều bùn, ra xa khỏi mép nước hơn 10m vẫn đục ngầu. Mép nước thì lổn nhổn đá. Không chắc đầu Hoàng Yến có đúng sạch hơn không vì xuống biển ở hai thời điểm và mực nước biển khác nhau.

Lần này ghé Quy Nhơn sớm nên ăn bánh xèo tôm nhảy được, định ghé quán Gia Vỹ 2 trên đường Diên Hồng mà lại vào nhầm quán bên cạnh, quán cũng lớn nên thôi nhầm thì cũng ăn :). Nói chung ăn được, được cái nhiều tôm, nhưng giá 25K/chiếc thì có vẻ không bình dân lắm (bánh xèo miền Trung nhỏ chứ không to tướng như bánh xèo miền Tây nhá). Có vẻ như đường này chuyên bánh xèo và các đặc sản khác như ché, bánh tráng, mực khô, rượu Bàu Đá... Mua thêm một hũ tôm chua, cái này thì 70K có vẻ rẻ (còn chưa ăn nên chưa biết thế nào) vì hũ to và tôm to hơn hẳn loại của Sông Hương thỉnh thoảng mua ở siêu thị.

Từ Đà Nẵng tới Sài Gòn mới thấy Sài Gòn vẫn mát nhất, Đà Nẵng chỉ có gió mát ven sông Hàn chứ trong phố khá nóng. Sài Gòn đón mình trở về với một cơn mưa lớn, gió chiều trở nên mát lạnh, phải khép bớt cửa sổ :)

July 04, 2017

Thăm lại thánh địa Mỹ Sơn (ngày 8)

Hành trình 2.439km Sài Gòn - Đà Nẵng hè 2017.

Hơn 10 năm trước mình đến Đà Nẵng lần đầu tiên vào tháng ngay trước Tết, và cũng đã đi thánh địa Mỹ Sơn với ThànhTC (FSoft) và anh Hoà Phan. Còn nhớ lúc ra về trời mưa nhỏ và hơi lạnh (còn nhớ cả mình và thằng Thành đều mặc áo da), xe máy của Thành thủng lốp mà xung quanh không có nhà dân làm 2 anh em phải hì hục đẩy xe lên rồi xuống dốc không biết bao lâu thì mới tìm được một người vá giúp.

Giờ thì dọc đường tới Mỹ Sơn chỗ nào cũng có người, chỉ còn vài kilometre cuối cùng là còn tương đối vắng, chủ yếu là rừng cây.


Ban đầu dự tính đi và về mất 3h (70km), tham quan 1h (bất khả thi). Thực tế lượt đi mất 1,5 giờ nhưng là do đi lòng vòng, nếu đi QL1A sẽ nhanh hơn. Do tới ngã ba Lầu Sụp thì thấy có trạm thu phí, nghĩ mình chỉ đi Mỹ Sơn, đi qua có một đoạn là quẹo mà nó để trạm ở đây mỗi xe đi Mỹ Sơn mất thêm 70K à, thấy ghét thế là quẹo phải, đằng nào vừa đi vừa chơi cho biết :). Từ ngã ba quẹo phải đi tới DT609, xong qua DT610 rồi chạy mãi là tới nơi. Tuy nhiên đường này nhiều đoạn nhỏ, một số đoạn đang sửa, cũng không nên đi nhiều :). Lúc về đi QL14B thì nhanh hơn, chỉ chừng hơn 1 giờ nhưng mà cắm rất nhiều biển 40km và gặp những 3 chốt CSGT :). Nói chung là ăn được 70K phí QL1A cũng khá mệt. Nếu đi chơi không vội vàng gì thì đi QL14B là hay nhất.


Tổng thời gian ở Mỹ Sơn hết hơn 3 giờ, đủ để thoải mái ngó nghiêng, mất khá nhiều thời gian ở khu bảo tàng ngay cổng vào. Không nhiều người vào khu bảo tàng trong khi đó là nơi nên vào trước để biết về lịch sử Mỹ Sơn. Thực ra nếu chịu khó đọc hết, xem hết thì phải dành thời gian một ngày ở đó.

Bảng giới thiệu ở trước bảo tàng

Đứng trước cái bảng sắp xếp các nhóm tháp theo thời gian, từ TK8 đến TK14 có cảm giác rất khó... tưởng tượng, những người xây tháp ở TK12 có cảm giác gì khi bên cạnh những cái tháp đã xây từ hàng trăm năm trước đó? Hình như giờ ở mình không có công trình nào tới 200 tuổi chứ chưa nói lâu hơn.


Ở khu đền lớn nhất (nhóm B, C, D) có một tượng thần Shiva bị mất đầu, vô số du khách đã từng đứng thò đầu sau lưng bức tượng để chụp ảnh, trong đó có mình (lần trước), nay thì sau lưng bức tượng đã có một tấm biển cấm.

Toàn cảnh nhóm tháp B, C, D lớn nhất

Vé tham quan khá đắt, 100K/người lớn (150K với người nước ngoài), 30K/trẻ em, nhưng phải nói là giá vé đó là tương xứng với chất lượng dịch vụ: sạch sẽ, nhân viên có mặt khắp nơi (hạn chế các hành vi vô ý thức), xe bus điện trung chuyển từ cổng vào bên trong (hơn 2km), và đặc biệt là các tiết mục biểu diễn nghệ thuật hay và chuyên nghiệp chứ không phải kiểu nghiệp dư thường thấy ở các điểm du lịch khác. Dàn múa Apsara thì toàn em xinh đẹp múa hay, lần đầu tiên mình xem hết một điệu múa Apsara, mà thấy hay thật :D




Có lẽ cái chán nhất của Mỹ Sơn là cái website của di tích này, trình bày xấu, thông tin nghèo nàn.

Đà Nẵng khác trước nhiều, trước tới Đà Nẵng không thấy bóng CSGT, giờ thì thấy khá nhiều. Kẹt xe không còn là chuyện gì mới lạ, lúc hơn 17h muốn quẹo trái từ Trần Phú qua cầu sông Hàn (không bị cắt hướng đi thẳng) mà phải chờ tới 4 lần đèn (mỗi lần xanh 15 giây, đỏ 60 giây).

Toàn cảnh sông Hàn đoạn giữa TT Hành chính và cầu sông Hàn

Tuy nhiên 3 ngày ở Đà Nẵng vẫn thấy thích thành phố này (như trước tới giờ :D), sạch sẽ, an ninh tốt, người dân vẫn thân thiện, nhiều món ăn, giá cả khá rẻ, gửi xe ở bãi biển chỉ 10K, gửi đồ chỉ 5K nếu chỉ có quần áo hay 10K nếu có điện thoại, một bà già giữ đồ còn kêu một ông khách bên cạnh là cứ bỏ tiền ở túi cũng được, không mất đâu mà lo, mang xuống biển khéo mất :). Tắm xong lên tráng nước ngọt chỉ có 2K. Để tiện so sánh thì giá gửi xe ở Vũng Tàu là 20K-30K tuỳ lần :), gửi đồ và tráng nước là 20K.

Vịnh Đà Nẵng, từ Sơn Trà nhìn về thành phố

Các điểm đỗ xe (có kẻ vạch và biển P) đều free, một bãi rộng trước Trung tâm Hành chính để ai muốn đỗ thì đỗ :). Không bù SG, phải trả tiền mà còn khó kiếm chỗ đỗ xe.

July 01, 2017

Đà Nẵng city tour by foot (ngày 7)

Hành trình 2.439km Sài Gòn - Đà Nẵng hè 2017.

Ăn sáng xong là 9h15 cả tiểu đội lên đường dù trời nắng chói chang từ sáng sớm. Bạn Gấu quá chán, lèo nhèo chuyện nắng nôi suốt từ lúc đi tới lúc về, nhức cả đầu :)

Trung tâm Hành chính

Dọc đường Bạch Đằng có mấy dinh thự từ thời Pháp thuộc, nay mới sơn sửa lại trông mới đẹp cộng với khuôn viên rất rộng, hiện là trụ sở HĐND và Thành uỷ. Chưa chụp được ảnh lúc sáng vì muốn chụp phải chạy qua đường sang phía bờ sông. Thư viện Đà Nẵng cũng là một kiến trúc đẹp.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm nằm ngay bùng binh lớn ở đầu Cầu Rồng, vé vào cửa 40K/người lớn hơi bị đắt nhất là so với số lượng khách quan tâm tới chủ đề này không nhiều lắm. Tuy nhiên nội dung trưng bày phong phú, bảo tàng thiết kế đẹp. Dở cái là bảo tàng đang sửa chữa nên nhiều khu bụi bặm và thợ đang thi công ầm ĩ, nhiều khu không được vào xem trong đó có một phòng trưng bày các sơ đồ kiến trúc các tháp Chàm hơi bị hay.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm

Có một số hiện vật rất quý, được coi là Bảo vật Quốc gia (National Treasure), và hiện vật trưng bày thường là bản sao (replica).

Bồ tát Tara, thế kỷ 19-20, Bảo vật Quốc gia

Đài thờ Phật giáo Đồng Dương

Ở bảo tàng ra ghé tiếp vào Nhà thờ Chánh toà, nhà thờ lớn và cũng có màu hồng (đậm hơn) giống nhà thờ Tân Định. Cổng vào nhà thờ hoá ra là ở mặt sau (bên ngoài là biển hiệu sách, đường Yên Bái) thế mà tuyệt nhiên không có một biển báo nào để ở cổng chính (khoá) cho du khách biết, ai tới cổng chính xong cũng ngó nghiêng rồi hỏi han mới biết lối vào (đi vòng lại chừng 500m).

Nhà thờ Chánh toà Đà Nẵng

Nhà thờ khoá cửa (dù biển ghi mở cửa cho du khách ngày Chủ Nhật là từ 11h30 - 13h30), các cửa gỗ đều kín mít nên không ngó được một chút gì bên trong.

Mọi người hay chửi du khách TQ ồn ào, nói cho công bằng thì từ Nha Trang ra Đà Nẵng mình thấy họ cũng bình thường. Còn bọn dở người thì đâu chẳng có, dân Việt đâu kém gì ai mấy khoản vô văn hoá. Vào bảo tàng, nhà thờ thấy chủ yếu khách HQ, TQ, ít Tây, ít Việt.

Ăn trưa bằng một tô bún thịt nướng (hai bữa ăn bún thịt nướng), ngon và rẻ, thịt nướng ở đây miếng lớn và mỏng. Rất ngon dù chỉ là các quán bình dân.

Chiều chạy tuốt lên bán đảo Sơn Trà, tiếc rằng để đến được mấy điểm cần đến ở đó phải đi xe máy và có điểm còn phải đi bộ. Lần sau xác định chạy xe máy và dành hết một ngày ở đây :)

Một tô mỳ Quảng cá lóc ở quán Bà Vị

Còn sớm để xuống biển nên ghé làm một tô mỳ Quảng cá lóc ở quán Bà Vị (166 Lê Đình Dương), đây có lẽ là địa chỉ măm măm mà mình nhớ nhất, chưa lần nào nhầm, dù lần này cũng 7 năm rồi mới ăn lại :). Lần đầu được thằng Tho Pham dắt đến quán này cũng chẵn 10 năm, lần nào ăn cũng lại nhớ tới nó, trước mỗi lần ăn 2 tô, giờ thì chỉ còn ăn được 1 tô :D

Cầu sông Hàn ban đêm